NGND, NGƯT là những danh hiệu do Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Quốc gia xét và Chủ tịch nước Việt Nam ký quyết định trao tặng cho những nhà giáo đã có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục của đất nước. Danh hiệu được xét tặng 3 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
* So với lần xét tặng danh hiệu gần nhất, được thực hiện cách đây 3 năm theo Thông tư 07 do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2012 thì lần xét sắp tới theo Nghị định số 27 được Chính phủ ban hành năm 2015 có một số nét mới. Ông có lưu ý gì với các cơ sở trong quá trình xét tặng không, thưa ông?
Có nhiều điều cần lưu ý chứ. Trước hết là các tiêu chuẩn danh hiệu, các đơn vị phải nghiên cứu thật kỹ những thay đổi. Chẳng hạn, Nghị định 27 quy định một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGƯT là đã 7 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 7 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 7 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng. Hay cán bộ quản lý giáo dục muốn được xét tặng danh hiệu NGND thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy...
Một lưu ý khác là các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có quyết định nghỉ theo chế độ BHXH từ tháng 1.2014 thì cho đến thời điểm đề nghị xét tặng vẫn thuộc đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu năm 2017. Tiêu chuẩn thành tích liền kề năm đề nghị xét tặng là thành tích liền kề năm có quyết định nghỉ chế độ BHXH.
Tại thời điểm đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại địa bàn nào thì áp dụng tiêu chuẩn xét tặng tại địa bàn đó; nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng nào thì áp dụng tiêu chuẩn xét tặng của đối tượng đó.
* Vậy còn những quy định thay thế thành tích của cán bộ, giáo viên thì có gì khác không, thưa ông?
Có một số điều cần lưu ý như người tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền thì được tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến, đề tài cấp tỉnh, Bộ.
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt được nhiều thành tích, đủ điều kiện thay thế tiêu chuẩn sáng kiến quy định tại Khoản 1, 2 và 3, Điều 10 Nghị định số 27 thì mỗi thành tích được tính thay thế 1 sáng kiến.
Hãy nhớ là trong cùng 1 năm, nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở và chiến sĩ thi đua cơ sở thì chỉ tính 1 thành tích. Trong cùng 1 năm nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cơ sở và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, Bộ, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ thì được tính 1 thành tích cấp cơ sở.
* Ở tỉnh ta, hơn 10 năm qua, tại bậc học phổ thông và mầm non không có một NGND, NGƯT nào…
Đúng là trong một thời gian dài, vì nhiều lý do, các ngành học này của tỉnh ta không có thêm NGND, NGƯT nào. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát sơ bộ do Sở tiến hành gần đây trong toàn ngành, đối chiếu với những tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu NGƯT, thì hiện đang có một số cán bộ, giáo viên đã cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn rồi.
Để chuẩn bị tốt cho công tác phong tặng các danh hiệu trong năm 2017, ngày 9.9 vừa qua, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị những nội dung liên quan. Thời gian tới, theo từng giai đoạn của quy trình đề nghị xét tặng, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cá nhân, đơn vị hoàn thành các bước cần thiết trên tinh thần bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ và tự nguyện. Đặc biệt, chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy, nhà giáo là nữ, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc ít người, nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
* Khi nào việc xét tặng danh hiệu bắt đầu, thưa ông?
Bắt đầu ngay từ bây giờ. Các đơn vị tiến hành triển khai rà soát đối tượng theo quy định hiện hành. Sau khi được phổ biến lại, các cá nhân đáp ứng những tiêu chuẩn làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu.
Sở đã phổ biến cụ thể các mốc thời gian cần lưu ý. Đó là, trước 15.10, Hội đồng cơ sở các trường trực thuộc các phòng GD&ĐT gửi hồ sơ về Hội đồng cấp huyện, còn Hội đồng cơ sở các trường trực thuộc Sở GD&ĐT thì gửi hồ sơ về Hội đồng Sở GD&ĐT. Trước 15.11, Hội đồng cấp huyện, Hội đồng cơ sở các trường trực thuộc UBND tỉnh, Hội đồng Sở GD&ĐT sẽ gửi về Hội đồng cấp tỉnh (cơ quan thường trực là Sở GD&ĐT).
Tác giả bài viết: Ngọc Tú
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn