Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Văn Phụng cho biết, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, quyết liệt yêu cầu các trường thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đảm bảo cho học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp.

Trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần, hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, các trường có thể điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác để tập trung dạy tiếng Việt cho học sinh.

Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh; tổ chức các trò chơi học tập, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm truyện tranh, cây từ vựng; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng hiệu quả thư viện thân thiện, thư viện lưu động; tổ chức ngày hội đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”…

Ngoài ra, từng trường phải thực hiện tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, hội thảo chuyên đề trong quá trình triển khai các phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Đây là nỗ lực của ngành nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ.  

Tác giả bài viết: Ngọc Tú