Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường PTDT Bán trú Tây Sơn (Bình Định) về triển khai Chương trình GDPT 2018.
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã gặp gỡ và trao đổi với học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn. Ảnh: Hoàng Vinh.
Sáng 25/3, Đoàn giám sát về đổi mới chương trình - sách giáo khoa do ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu, đã có buổi làm việc tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Mới nhưng không bỡ ngỡ
Báo cáo tại buổi làm việc, thầy Nguyễn Văn Cưởng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn cho hay, năm học 2022-2023 tổng số học sinh toàn trường là 225 học sinh được chia làm 12 lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Học sinh nhà trường bao gồm 2 đối tượng học sinh là người Kinh thuộc xã Bình Tường và học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số Ba-na thuộc xã Vĩnh An. Trong đó có 65 học sinh người đồng bào dân tộc Ba-na.
"Chương trình GDPT 2018 về cơ bản phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và khả năng tiếp thu lĩnh hội kiến thức của học sinh. Ngoài các trang thiết bị dạy học đã được trên cấp, nhà trường đã tận dụng và hỗ trợ các giáo viên làm thêm đồ dùng dạy học, tận dụng các đồ dùng dạy học cũ hiện có để đảm bảo phục vụ cho việc giảng dạy chương trình GDPT 2018…" - thầy Cưởng cho biết.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi với các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (tỉnh Bình Định) về chương trình GDPT mới. Ảnh: Hoàng Vinh.
Bên cạnh những thuận lợi, thầy Cưởng cũng nêu một số khó khăn nhất định như: các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý bước đầu giáo viên còn gặp một số lúng túng. Tuy nhiên sau đó cũng dần ổn định. Các mục tiêu cần đạt của chương trình cơ bản phù hợp với khả năng tiếp thu của đa số học sinh trong trường. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số Ba-na việc tiếp thu lĩnh hội kiến thức còn chậm.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn đã đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, kết hợp cho điểm và nhận xét… khuyến khích học sinh tự đánh giá, đánh giá qua sản phẩm của học sinh. Chú trọng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ và chống bạo lực học đường.
Thầy Trương Quốc Ngoại – giáo viên môn Vật lý nhận xét, chương trình GDPT 2018 giúp học sinh dễ tiếp thu hơn. “Trong chương trình mới, học sinh được tham gia nhiều hoạt động nên học sinh khá thích thú. Tuy nhiên, bản thân tôi được đào tạo chuyên môn về Vật lý giờ tích hợp dạy khoa học tự nhiên; mặc dù đã được bồi dưỡng nhưng cũng gặp khó khăn nhất định. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm với đồng nghiệp để làm tốt trong công tác giảng dạy”, thầy Ngoại chia sẻ.
Thầy Trương Quốc Ngoại - giáo viên môn Vật lý nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thiện – giáo viên môn Hoạt động trải nghiệm cho hay, đây là môn mới nên ban đầu khi giảng dạy gặp những bỡ ngỡ. Bản thân cô Thiện sau khi được bồi dưỡng kiến thức đã chủ động tìm tòi, học hỏi trao đổi để giảng dạy. “Ở bộ môn này, học sinh được đưa đi khám phá học tập tại các làng nghề nên các em thấy hào hứng”, cô Thiện cho hay.
Cô Trần Thị Thu Đông – giáo viên môn Hóa học cho biết thêm, để giúp học sinh không bỡ ngỡ trước khi bước vào chương trình mới cấp THPT, cô đã hướng dẫn và cho các em làm quen với bảng tuần hoàn hóa học mới để các em nắm bắt.
Tăng cường các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018
Ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cho biết, toàn huyện có 52 trường, 1 trường mầm non tư thục, 51 trường công lập với 792 lớp và 20645 học sinh. Đối với thực hiện chương trình GDPT mới, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện. Trong đó chú trọng đảm bảo về cơ sở vật chất, hằng năm danh mục đầu tư xây dựng riêng cho ngành giáo dục, ưu tiên xây dựng mới những trường lớp xuống cấp…
Kiểm tra trang thiết bị dạy học trong chương trình GDPT mới. Ảnh: Hoàng Vinh.
“Huyện Tây Sơn dự kiến đầu tư cho giáo dục trong giai đoạn 2017-2025 gần 500 tỷ đồng, trong đó về cơ sở vật chất, bồi dưỡng cho giáo viên. Số tiền đầu tư thiết bị dạy học được tăng đều qua các năm, dự kiến năm 2023 sẽ phân bổ 21 tỷ. Về nguồn nhân lực huyện sẽ phân bố điều động để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp ở các bộ môn”, ông Mỹ cho hay.
Đặc biệt, để thực hiện chương trình GDPT 2018 có hiệu quả, giáo viên trực tiếp giảng dạy đều phải tham gia bồi dưỡng, tập huấn đấy đủ. Mặc dù có những khó khăn ngay ban đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại giáo viên toàn huyện đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.
Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thay mặt đoàn giám sát đã biểu dương những thành tích mà thầy và trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn đã làm được trong thời gian qua. Mặc dù là trường miền núi, nhiều học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các giáo viên của trường đã khắc phục khó khăn, thực hiện rất tốt việc giảng dạy Chương trình GDPT 2018.
Theo ông Sỹ, qua kiểm tra giám sát, các giáo viên của trường đều đã đảm bảo tốt việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, các môn dạy tích hợp. Ông Sỹ cũng lưu ý, trong thời gian tới, Chương trình GDPT 2018 khi triển khai ở các khối lớp 8, 9 thì sẽ có những khó khăn nhất định ở các môn tích hợp. Vì vậy, các giáo viên phải bồi dưỡng, nâng cao để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
"Đoàn giám sát đã gặp gỡ và trao đổi với học sinh đang học theo chương trình - sách giáo khoa mới và nhận thấy rằng các em có tinh thần học tập rất tốt. Có thể thấy rằng các em học sinh học theo chương trình mới cảm thấy hứng thú hơn, nhanh nhẹn và tích cực hơn”, ông Sỹ đánh giá.
“Trong thời gian tới, các thầy cô giáo tiếp tục tạo cho các em học sinh sự hứng khởi trong chương trình GDPT mới, tăng cường trao đổi với học sinh, nhất là học sinh học còn chậm”, ông Sỹ lưu ý.
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đoàn giám sát kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.
Đại diện đoàn giám sát cũng mong chính quyền địa phương thời gian tới tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa về đầu tư cơ sở vật chất trường học, để việc thực hiện chương trình GDPT được tốt hơn.