Chúng ta thường có suy nghĩ : Thư pháp là thú vui chỉ dành cho những ai có học vấn uyên thâm, ở lứa tuổi có đủ độ chín để có những suy tư sâu sắc về cuộc đời. Vậy liệu học sinh tiểu học có khả năng viết thư pháp không? Liệu có bao nhiêu em có hứng thú với bộ môn nghệ thuật xưa cũ này? Và rằng trong thời đại kĩ thuật số này xung quanh các em tràn ngập những trò chơi vô bổ, những gameonline, những phim ảnh độc hại. Làm thế nào để thu hút các em, khiến các em chịu ngồi xuống tỉ mỉ, trau chuốt, nhẫn nại cho từng nét chữ quả là một vấn đề nan giải. Thực tế không phải ai cũng thấy được lợi ích của việc viết thi pháp đối với trẻ. Đây là một môn nghệ thuật có sự ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành nhân cách giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, sự điềm đạm, lòng nhân từ. Đồng thời thư pháp được thể hiện bằng những vần thơ, những câu ca dao tục ngữ mang lời hay, ý đẹp, thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc nên sẽ gieo vào lòng các em tình yêu sâu sắc đối với con người, quê hương, đất nước và gia đình. Viết thư pháp chính là cách tốt nhất nuôi dưỡng tinh thần, nuôi dưỡng trái tim, nuôi dưỡng tầm nhìn, nuôi dưỡng các khái niệm thẩm mỹ, nuôi dưỡng lòng thành kính, siêng năng,nhẫn nại…
Từ những trăn trở đó, ban giám hiệu trường tiểu học số 1 Phước Sơn đã quyết định tổ chức hoạt động ngoại khóa thi viết thư pháp nhân kỉ niệm 74 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
Ngày 22/12 thật sự là một ngày hội với các em. Ngay từ sáng sớm rất đông các “nho sĩ “ nhí trong trang phục áo dài đủ màu sắc tay cầm bút nghiên tề tựu về trường trước sự cổ vũ nhiệt tình của các bậc cha mẹ học sinh. Một chút se lạnh của buổi sáng mùa đông, một chút hoài cổ khiến chúng ta như quay về với khung cảnh trường thi với xênh xang áo mão của các sĩ tử. Bước vào cuộc thi, các em ngồi ngay ngắn theo hàng, theo khối lớp dưới khoảng sân trường quen thuộc. Nhìn những đôi tay vụng về, những gương mặt trong veo chăm chú bên trang giấy, các em thật sự đã thổi vào con chữ cả cái hồn mộc mạc đáng yêu thơ bé của mình.
Các “nho Sĩ” nhí đang miệt mài bên bài thi
Kết thúc hội thi, không ít khán giả phải trầm trồ khi chiêm ngưỡng bài viết của các em ở khu trưng bày. Có những bài viết gây bất ngờ với ban giám khảo bởi sự điêu luyện, mềm mại và sáng tạo của các em.
Bài thi của em Trần Võ Khánh Ngọc lớp 1C
Bài viết của em Nguyễn Quốc Hưng lớp 4C
Bài viết của em Đặng Quỳnh Như Ý lớp 5A
Sau khi trao thưởng cho các em thầy Giả Tấn Trọng- Hiệu trưởng nhà trường- vui vẻ cho biết: “ Ở các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc người ta đưa môn thư pháp vào chương trình học cho học sinh tiểu học. Ở Việt Nam tôi nghĩ sẽ rất hay, rất bổ ích khi nhà trường đưa thư pháp vào các tiết học ngoại khóa để giúp các em làm quen với nét văn hóa rất riêng của dân tộc Việt, không ngờ cuộc thi đã tạo một hiệu ứng rất lớn và thành công ngoài mong đợi.”
Quả thật không sai, điều thành công nhất ở hội thi chính là sự thích thú đón nhận môn nghệ thuật mới mẻ này của các em.Với gương mặt hào hứng em Đặng Quỳnh Như Ý học sinh lớp 5A chia sẻ “Em rất vui khi được tham gia hội thi này, đây là dịp để em thể hiện niềm đam mê, sở thích của em ấp ủ bấy lâu, tết này em sẽ viết thật nhiều câu đối để tặng thầy cô và bè bạn”.
Thiết nghĩ trong phạm vi trường học cần lắm những cuộc thi như thế. Ý nghĩa ấy không chỉ dừng lại một sân chơi. Chúng ta không chỉ giúp các em hoài cổ về một thời kì vàng son đã qua mà dùng những giá trị cổ truyền như hành trang, như mạch nguồn sáng tạo viết tiếp câu chuyện của thư pháp thời hiện đại….
Tác giả bài viết: Giang Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn