Duy trì thành quả, giữ vững chất lượng
Sở GDĐT đánh giá, năm học 2022 - 2023, toàn ngành đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật là duy trì và giữ vững chất lượng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học; chất lượng phổ cập giáo dục THCS ở địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa được nâng lên. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững. Tiếp tục chỉ đạo việc dạy - học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và chương trình GDPT 2018 đúng lộ trình.
Trong đó, giáo dục mũi nhọn tạo được dấu ấn dẫn đầu cụm thi đua số 3 về kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia với 36 giải (tăng 2 giải so với năm học trước). Về chất lượng giáo dục đại trà, đáng chú ý là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được duy trì ổn định, đạt 98,79% (năm học trước là 98,34%).
Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quy hoạch, đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh có 415/626 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 66,3%), so với năm 2022 tăng 26 trường (tăng 4,2%).
Hiện, các địa phương và trường học đã hoàn thành tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024; chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Trong năm học 2023 - 2024 và những năm học tiếp theo, cần tập trung nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT 2018, đảm bảo chất lượng dạy và học |
Còn không ít khó khăn, tồn tại
Dù vậy, nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục cũng đã được “mổ xẻ” tại Hội nghị.
Trưởng Phòng GDĐT TP Quy Nhơn Tô Thị Thu Hường nêu thực trạng số lượng phòng học chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Cấp tiểu học của thành phố còn thiếu 90 phòng học để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh. Một số trường có số học sinh lớn nhưng quỹ đất không đảm bảo điều kiện tối thiểu (8 - 10 m2/học sinh), buộc phải tăng sĩ số học sinh/lớp.
Chỉ tiêu biên chế được giao còn thiếu so với quy định nên tỷ lệ giáo viên/lớp của thành phố còn thấp (THCS 1,68 giáo viên/ lớp; tiểu học 1,3 giáo viên/lớp; mầm non 1,73 giáo viên/lớp). Đây là thực trạng khiến ngành giáo dục Quy Nhơn rất khó khăn trong triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT 2018.
Cũng liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát Nguyễn Tấn Hưng kiến nghị: “Cần tăng tỷ lệ cho giáo viên tiểu học, hiện tại chỉ có 1,5 giáo viên/lớp là không phù hợp để đảm bảo điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018”.
Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở trường lớp… trở thành rào cản cho sự phát triển của bậc học mầm non, nhất là khi tiến tới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi theo chủ trương của Chính phủ. Bà Lương Thị Xuân Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), dẫn chứng: Tỷ lệ huy động trẻ 3, 4 tuổi đến trường còn rất thấp, trẻ 3 tuổi chỉ đạt 54,74%, trẻ 4 tuổi đạt 84,15% (theo Nghị định 20, trẻ ra lớp ít nhất 95%, vùng khó khăn 90%). Tỷ lệ giáo viên mẫu giáo/lớp hiện chỉ đạt 1,65 (theo quy định là 2,2), đã vậy năm học vừa qua còn có 27 giáo viên nghỉ việc.
Thiếu giáo viên là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến các chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: M.H |
Giải quyết ngay bài toán thiếu giáo viên
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của GD&ĐT trong phát triển của quốc gia, của tỉnh.
Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh “Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường đang có phần bỏ ngỏ. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường, ma túy học đường…, đề nghị ngành giáo dục quan tâm hơn giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh; nhà trường không nên “khoán hẳn” cho giáo viên, cần tận tâm chỉ bảo cho học sinh thay vì giáo điều, lý thuyết”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh LÂM HẢI GIANG |
Nói về câu chuyện thiếu 1.338 giáo viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ rà soát lại, trên cơ sở vị trí việc làm, quy định định mức giáo viên/lớp và phân bổ chương trình giáo dục, nhu cầu giáo viên các bộ môn để tính toán thực chất việc thừa - thiếu giáo viên của ngành GD&ĐT. Đồng thời, lưu ý Sở GD&ĐT, các địa phương phải có phương án điều chuyển giáo viên giữa các đơn vị, đảm bảo đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2023 - 2024. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng giáo dục mầm non hiện đang là “gót chân asin” của ngành giáo dục, khi tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn thấp; số lượng trẻ huy động ra lớp chưa đạt; số lượng giáo viên thiếu, không đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị cũng thiếu.
Nêu những vấn đề của ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024 và những năm học tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phải tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT 2018, nhất là 2 vấn đề “nóng” là chương trình mới, sách giáo khoa mới. Phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ sáng tạo của tổ chuyên môn trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực chất theo đúng định hướng, mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Với sách giáo khoa mới, ngành GD&ĐT có định hướng, khắc phục khó khăn trên 4 vấn đề: Lựa chọn sách giáo khoa công khai, minh bạch; không để thiếu sách; huy động nguồn lực hỗ trợ sách cho học sinh khó khăn; không để cơ sở cung ứng sách nâng giá. “Đặc biệt, ngành GD&ĐT và các sở, ngành, địa phương giải quyết ngay bài toán biên chế giáo viên, biên chế công chức phòng GD&ĐT!”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn