Năm học 2015-2016, giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, mạng lưới trường lớp phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh. Công tác đầu tư phát triển trường lớp mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên. Chương trình giáo dục mầm non được thực hiện tại 100% trường mầm non. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ em được ăn bán trú tăng nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc, giáo dục trẻ được đẩy mạnh, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm. Cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non được tăng cường, tỷ lệ phòng họp kiên cố tăng 2,4%, tỷ lệ trường chuẩn tăng 3,4%. Đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý được đổi mới, tăng tính tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, trong phân cấp trách nhiệm quản lý và trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn lại năm học vừa qua, giáo dục mầm non vẫn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Mạng lưới trường lớp, quy mô phát triển giáo dục mầm non còn nhiều bất cập, một số khu đô thị, khu công nghiệp vẫn thiếu trường lớp, vùng núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ. Một số địa phương có tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp. Đến nay vẫn còn nhiều phòng học tạm, học nhờ, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn thiếu thốn, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Chất lượng giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền. Công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm. Đặc biệt đội ngũ giáo viên định biên còn thấp so với quy định, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhóm lớp. Một số giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng xử lý tình huống nên để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, giáo dục mầm non bước vào năm học 2016-2017 tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, tăng cường các giải pháp phát triển mạng lưới trường lớp, đẩy mạnh giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho vùng khó, đẩy mạnh xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ. Hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các trường khó khăn, tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường nguồn lực, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo hướng phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước đã phát biểu tham luận và thảo luận nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại mỗi địa phương. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung như vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, đồ dùng, đồ chơi; vấn đề đổi mới chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non; các chế độ chính sách về lương, bảo hiểm cho giáo viên mầm non; vấn đề điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp với điều kiện thực tế…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận nỗ lực vượt khó của các địa phương để hoàn thành các mục tiêu giáo dục mầm non năm học 2015-2016. Thứ trưởng nêu rõ, những khó khăn, hạn chế hiện nay của giáo dục mầm non xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, chủ quan là do nhận thức và sự quan tâm ở các địa phương chưa đồng đều, dẫn đến công tác tham mưu ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả.
Thứ trưởng đề nghị, từ mục tiêu chung của Bộ, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu năm học 2016-2017 cho phù hợp. Đồng thời từng bước đổi mới công tác quản lý, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong giáo dục mầm non. Đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, quan tâm đến trẻ em ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng lưu ý cần sớm ban hành một số văn bản quan trọng tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển. Rà soát, chỉnh sửa các văn bản để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tác giả bài viết: Theo moet.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn