Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Về đích đúng lộ trình

Thứ sáu - 04/03/2016 01:13
So với các tỉnh, thành khác, Bình Định triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNTNT) chậm hơn gần 2 năm với xuất phát điểm rất thấp. Tuy nhiên, nhờ sự chung sức vào cuộc, sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị cùng những giải pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, tỉnh ta đã về đích đúng lộ trình.

Nhiều giải pháp hiệu quả

Nhớ lại thời điểm triển khai Đề án PCGDMNTNT trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Minh còn rùng mình: “Bậc học mầm non lúc đó gần như là…tay trắng trước 3 tiêu chuẩn đạt phổ cập mà Bộ GD&ĐT quy định. Khi đó, trừ một ít trường công lập, phần lớn trường bán công, dân lập do chính quyền cấp xã quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nghèo nàn, học sinh phải học tạm, học nhờ, giáo viên toàn bộ hợp đồng, đội ngũ quản lý các trường mầm non vừa thiếu, yếu; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng (vùng dân tộc thiểu số) gần 20%”.

 

Một bữa ăn trưa của trẻ Trường Mẫu giáo xã An Quang (huyện An Lão).

Sau khi thành lập ban chỉ đạo công tác PCGDMNTNT các cấp, chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp và bám sát triển khai. Trong đó, việc ưu tiên quỹ đất để xây trường, lớp được đặt lên hàng đầu. Với huyện Hoài Nhơn, địa phương có số lượng trường mầm non lớn nhất tỉnh, huyện luôn sẵn sàng kinh phí đối ứng triển khai, để trong 1 năm xây đến 5-7 trường mầm non có tầng, với khoảng 60-70 phòng học. Còn công tác quy hoạch hiệu quả phải kể đến cách làm của huyện Phù Mỹ, khi ưu tiên dành những quỹ đất lớn để xây điểm trường chính, rồi dồn các điểm lẻ về để tổ chức bán trú cho trẻ.

Ở các huyện miền núi, “bài toán” hóc búa nhất là tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ngất ngưởng với xấp xỉ 20% cũng đã có “lời giải” khi huyện Vân Canh quyết định vận động phụ huynh sử dụng tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vào tiền ăn bán trú ở các trường đã tổ chức bán trú, còn nếu chưa thì lấy tiền đó mua sữa uống tại trường. “Hiệu quả thấy ngay trước mắt khi trẻ cao lớn, phổng phao, góp phần đưa tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng về mức cho phép”, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh Phạm Thị Bộ cho biết.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại 6 địa phương vào những ngày đầu tháng 3.2016, các thành viên của Đoàn công tác kiểm tra công nhận PCGDMNTNT tại Bình Định của Bộ GD&ĐT đã dành lời khen trước cảnh quan xanh-sạch-đẹp và an toàn trong khuôn viên các trường mầm non. “Điều đáng ghi nhận là khuôn viên trường rất thân thiện với trẻ, bởi ở một số tỉnh, thành khác, có những khuôn viên rất xanh-sạch-đẹp (trường đầu tư hiện đại) nhưng không thân thiện với trẻ. Tôi cho đây là mô hình tốt cần nhân rộng”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Lý Thị Hằng, Trưởng đoàn kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGDMNTNT tại Bình Định đánh giá. Để có được những khuôn viên đẹp như vậy, đa số các trường đã có nhiều cách huy động linh hoạt, phù hợp sự đóng góp của phụ huynh, cũng như sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân.

Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) Nguyễn Thị Bích Thủy, công tác xã hội hóa của bậc học mầm non có đặc thù riêng. “Các trường không vận động phụ huynh đóng tiền mà góp công sức xây dựng trường, chẳng hạn mang đến một chậu cây cảnh, có khi là lốp xe cũ, cây tre già, gỗ để làm đồ chơi ngoài trời. Các bà, các mẹ mang đến trường trái bầu, trái bí, mớ rau, quả trứng…để nấu cho trẻ ăn. Của ít lòng nhiều như vậy nhưng hiệu quả mang lại rất lớn”, bà Thủy chia sẻ.

Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ

Có thể khẳng định, công tác PCGDMNTNT đã mang lại bộ mặt mới cho Giáo dục mầm non, từ nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bậc học đến thực tiễn, giáo dục mầm non được “thay da đổi thịt”, trường ra trường, lớp ra lớp. Song song với việc triển khai công tác phổ cập, tỉnh ta đã triển khai đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non sang công lập; theo đó, đã xét tuyển đặc cách hàng ngàn giáo viên mầm non vào biên chế, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho trẻ và cán bộ, giáo viên. 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và Trưởng Đoàn công tác kiểm tra công nhận PCGDMNTNT tại Bình Định của Bộ GD&ĐT Lý Thị Hằng đã ký biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra.

Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các trường tích cực thực hiện chương trình Giáo dục mầm non mới, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, chủ động đổi mới công tác thanh, kiểm tra, linh hoạt kết hợp kiểm tra kế hoạch chỉ đạo trên văn bản với kiểm tra thực tế. Trong các hoạt động học, giáo viên chú trọng sử dụng đồ dùng dạy học, tăng cường khả năng vận động, phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ. Công tác chăm sóc trẻ cũng luôn được các nhà trường chú trọng.

“Với đặc thù về địa hình, Bình Định còn cả ngàn lớp mầm non ghép 2-3 độ tuổi. Giáo viên phụ trách lớp ghép rất vất vả khi phải xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động dạy trong một lớp cho nhiều trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Song, ngay cả trong những lớp này, mọi hoạt động dạy-học đều được đảm bảo, giáo viên luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng dần chất lượng trên cơ sở lấy trẻ làm trung tâm”, bà Thủy trao đổi.

Các thành viên của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT tỏ ra hài lòng khi nhắc về ấn tượng những đứa trẻ phổng phao, vòng tay tự giác ngoan ngoãn, mạnh dạn, tự tin giao tiếp với người lớn như Trường Mầm non Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh). Một thành viên của đoàn tâm sự: “Một bé trai sau khi chào tôi đã chạy đến ôm cổ và hôn vào má tôi. Tôi rất bất ngờ vì cứ ngỡ sẽ nhìn thấy những trẻ nhút nhát, rụt rè, thấy người lạ bỏ chạy và ngơ người trước những câu hỏi bằng tiếng Việt”. Cũng trong hơn 3 năm qua, chất lượng tiếng Việt của trẻ vùng dân tộc thiểu số bước vào lớp 1 tốt hơn hẳn. “Công lớn là nhờ triển khai hiệu quả chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số 5 tuổi. Theo quy định, mỗi ngày, các lớp mầm non trẻ 5 tuổi sẽ tăng cường tiếng Việt trong 15 phút. Các cô giáo, không chỉ luyện trẻ nói đúng, nói rõ từ mà để giúp trẻ dễ hình dung, dễ nhớ, còn sưu tầm hình ảnh bằng giấy hoặc chiếu lên máy vi tính để minh họa”, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh Phạm Thị Bộ cho biết.

Một đề án lớn, sau rất nhiều lần vượt khó và nỗ lực, cuối cùng đã về đích đúng lộ trình. “Thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì và nâng cao hơn nữa những kết quả đã đạt được”, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Minh khẳng định.

Tác giả bài viết: Ngọc Tú - baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

2311/SGDĐT-QLCLGD-GTDX

Sử dựng Bộ tài liệu Hướng dẫn dạy học lớp 10 thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT.

Thời gian đăng: 12/09/2023

lượt xem: 1002 | lượt tải:2722

41/2021/TT-BGDĐT

Thông tư quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào Tạo

Thời gian đăng: 14/01/2022

lượt xem: 2924 | lượt tải:590

40/2021/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông

Thời gian đăng: 14/01/2022

lượt xem: 5369 | lượt tải:1549

46 /2021 /TT-BGDĐT

Thông tư Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thời gian đăng: 13/01/2022

lượt xem: 2334 | lượt tải:324

84/2021/QĐ-UBND

Quyết định ban hành Quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thời gian đăng: 29/12/2021

lượt xem: 2357 | lượt tải:301
hoi thi thanh thieu nien
Xem nội dung: Tại đây!
Thư xin lỗi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay6,744
  • Tháng hiện tại259,932
  • Tổng lượt truy cập27,135,156
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây